Voi trong sử sách Voi_Việt_Nam

Bài chi tiết: Voi chiến
Tượng về voi chín ngà trong truyền thuyết ở An Giang

Trong truyền thuyết đầu tiên của người Việt có nhắc đến Voi chín ngà, là sính lễ mà Vua Hùng bắt buộc khi Sơn Tinh và Thủy Tinh cầu hôn Mị Nương. Sử sách nhắc đến voi và thuần dưỡng voi là từ thời Hai Bà Trưng chống quân Hán và bà Triệu, họ đã dùng voi vào trong chiến trường đánh quân Ngô (con voi trắng một ngà). Voi được các triều đại phong kiến Việt Nam sử dụng rất nhiều vào trong quân sự lẫn dân sự, voi nhà và voi rừng chiếm tỉ lệ nhiều. Đến thời Quang Trung, voi là một trong những chiến binh cừ khôi nhất, giúp nhà vua đánh Chúa Trịnh dẹp Chúa Nguyễn, đánh ngoại bang quân Thanh, quân Xiêm.

Vào cuối thời nhà Nguyễn triều Bảo Đại thì có soạn giả Tây phương ghi lại một số quan sát về voi của người Việt như người Việt chia voi thành hai loại, voi lớn gọi là "bõ bành", voi nhỏ là "bõ chóc".[1] Voi chiến từ những triều vua trước thì khi đã lập công ngoài chiến trận thì được đính một vòng bằng bạc vào cặp ngà.[2] Voi của vua được nuôi dưỡng tử tế và có đặt tên. Nhà vua thường dùng voi cưỡi khi đi săn và thích nhất con voi một ngà tên Một.